Hiện trạng triển khai các Cơ sở dữ liệu quốc gia

28 tháng 12, 2023

Tình hình triển khai các CSDLQG thuộc danh mục các CSDLQG ưu tiên triển khai tạo nền tảng phát triển CHính phủ điện tử: CSDLQG về dân cư CSDLQG về đăng ký doanh nghiệp, CSDL đất đai quốc gia, CSDLQG về Tài chính, CSDLQG về bảo hiểm

 

Tình hình triển khai các CSDLQG thuộc danh mục các CSDLQG ưu tiên triển khai tạo nền tảng phát triển CHính phủ điện tử: CSDLQG về dân cư CSDLQG về đăng ký doanh nghiệp, CSDL đất đai quốc gia, CSDLQG về Tài chính, CSDLQG về bảo hiểm

 

  1. Cơ sở dữ liệu quốc gia về Dân cư

Thực hiện Quyết định số 2083/QĐ-TTg ngày 26/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về Dân cư, Bộ Công an đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thẩm định
phê duyệt đầu tư Dự án và phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư Dự án;
phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu các gói thầu, dự toán chi tiết một số hạng mục thuộc Dự án; bố trí kinh phí (230 tỷ đồng) từ nguồn dự phòng đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 của Bộ Công an để tổ chức thực hiện trước một số hạng mục đã được phê duyệt theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; tổ chức Hội nghị triển khai xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về Dân cư; tổ chức lựa chọn nhà thầu thực hiện các gói thầu thuộc Dự án; đào tạo tập huấn thu thập thông tin dân cư cho cán bộ công an các địa phương trên toàn quốc; tổ chức xây dựng phóng sự, bài tuyên truyền, in đĩa DVD phóng sự, đĩa Audio CD phát thanh phục vụ tuyên truyền và bàn giao cho công an các địa phương; tổ chức in, cấp 91.798.731 Phiếu thu thập thông tin dân cư và 28.235 cuốn Tài liệu đào tạo nghiệp vụ cho công an các địa phương. Đến cuối năm 2018, 62/62 địa phương đã tổ chức đào tạo và tiến hành thu thập thông tin dân cư (trừ Công an thành phố Hải Phòng đã triển khai). Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Công an đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-BCA ngày 05/9/2018 về việc đẩy mạnh tiến độ thu thập, cập nhật dữ liệu dân cư; trong đó nhấn mạnh thời điểm thu thập thông tin dân cư phải hoàn thành trước ngày 31/12/2018.

Hiện nay, Bộ Công an vẫn đang phối hợp với Bộ Tư pháp tiến hành
kết nối, chia sẻ dữ liệu trong việc cấp số định danh cá nhân cho trẻ em đăng ký khai sinh từ ngày 01/01/2016 theo quy định của Luật Căn cước công dân và Luật Hộ tịch tại 37 tỉnh, thành phố. Tính đến hết ngày 09/12/2018, có tổng số 1.656.948 số định danh cá nhân đã được cấp.   

Đối với việc xây dựng và ban hành các quy chuẩn kỹ thuật cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG), Bộ Công an đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng và ban hành “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cấu trúc thông điệp dữ liệu công dân trao đổi với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư” (QCVN 109:2017/BTTTT).

  1. 1.Cơ sở dữ liệu Đất đai quốc gia

Thực hiện nhiệm vụ xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ triển khai xây dựng CSDLQG, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành các Thông tư số 75/2015/TT-BTNMT ngày 28/12/2015 quy định
kỹ thuật về cơ sở dữ liệu đất đai; Thông tư số 05/2017/TT-BTNMT ngày 25/4/2017 quy định về quy trình xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai; Thông tư số 49/2016/TT-BTNMT ngày 28/12/2016 quy định về công tác giám sát,
kiểm tra, thẩm định và nghiệm thu công trình, sản phẩm trong lĩnh vực quản lý đất đai. Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo Nghị định về xây dựng, quản lý, vận hành và khai thác sử dụng hệ thống thông tin đất đai và dự thảo Nghị định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực đất đai.

Thực hiện nhiệm vụ xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật về Cơ sở dữ liệu
Đất đai quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thành xây dựng 11
tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia và sẽ công bố trong năm 2019.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức các hội thảo lấy ý kiến phân tích, đánh giá, đề xuất của các chuyên gia, nhà khoa học, quản lý trong nước, các
đơn vị trực thuộc liên quan, các doanh nghiệp trong nước và quốc tế để xem xét, quyết định lựa chọn mô hình Cơ sở dữ liệu Đất đai quốc gia trong Dự án
“Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai”. Trong thời gian qua, Tổng cục Quản lý đất đai - Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính triển khai thí điểm mô hình kết nối, trao đổi thông tin giữa cơ quan quản lý đất đai với cơ quan thuế trong việc nhận hồ sơ và xác định nghĩa vụ tài chính tại 08 tỉnh/thành phố (Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Vĩnh Long, Bình Dương, thành phố Hải Phòng, thành phố Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Trà Vinh).

Hiện nay, trên cả nước đã có 161/713 đơn vị hành chính cấp huyện trên phạm vi 45 tỉnh/thành phố đang vận hành, khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu (CSDL) đất đai, trong đó có 15 tỉnh/thành phố đã tích hợp và liên thông dữ liệu theo mô hình tập trung bao gồm: 09 tỉnh/thành phố thuộc dự án VLAP (Thành phố Hà Nội, Hưng Yên, Thái Bình, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Tiền Giang, Bến Tre và Vĩnh Long) và 06 tỉnh/thành phố sử dụng nguồn ngân sách địa phương (Bắc Ninh, Quảng Ninh, thành phố Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai, An Giang).

  1. Cơ sở dữ liệu quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp

Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và Cơ sở dữ liệu quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng và chính thức đưa vào vận hành trên toàn quốc từ năm 2010. Đến cuối năm 2018, Cơ sở dữ liệu quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp hiện đang lưu trữ thông tin về đăng ký kinh doanh của hơn một triệu doanh nghiệp và đơn vị phụ thuộc trên toàn quốc và được kết nối chia sẻ dữ liệu theo thời gian thực với Hệ thống thông tin của Tổng cục Thuế để cấp mã số doanh nghiệp. Bên cạnh đó, để người dân và doanh nghiệp tiếp cận một cách thuận tiện trong quá trình thành lập doanh nghiệp và gia nhập thị trường, Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp đã được xây dựng và phát triển từ năm 2014. Tính đến cuối năm 2018, đã có hơn 130 triệu lượt truy cập Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp với bình quân hơn 10 triệu lượt người truy cập một tháng.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng các quy trình nghiệp vụ để bảo đảm sự vận hành liên tục và ổn định của Cơ sở dữ liệu quốc gia về Đăng ký
doanh nghiệp bao gồm các quy trình về giám sát CSDL, quy trình an ninh
bảo mật, quy trình sao lưu, khôi phục dữ liệu.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã xây dựng quy trình hiệu đính thông tin đăng ký doanh nghiệp để cập nhật kịp thời chính xác thông tin của doanh nghiệp. Ngoài ra, hàng năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng thực hiện các đợt hiệu chỉnh, rà soát dữ liệu về đăng ký doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc.

Hiện nay, Cơ sở dữ liệu quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp đang thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu với Hệ thống dịch vụ công của Bộ Giao thông vận tải và Hệ thống một cửa điện tử của tỉnh Thừa Thiên Huế thông qua Hệ thống kết nối, liên thông các hệ thống thông tin ở Trung ương và địa phương (NGSP) của Bộ Thông tin và Truyền thông.

  1. Cơ sở dữ liệu quốc gia về Thống kê tổng hợp về dân số

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 714/QĐ-TTg, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện xây dựng Nghị định về thu thập thông tin liên quan đến dân cư nhằm tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan có
liên quan, tránh thu thập nhiều lần cùng một nội dung thông tin. Tuy nhiên,
sau đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã giao Văn phòng Chính phủ chủ trì dự thảo Nghị định này.

  1. Cơ sở dữ liệu quốc gia về Tài chính

Ngày 01/11/2016, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký Quyết định số 2376/QĐ-BTC phê duyệt Đề án “Xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về Tài chính”. Đề án đã xác định mô hình tổng thể xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về Tài chính;
quy định về mục tiêu, quy mô, phạm vi, đối tượng của Cơ sở dữ liệu quốc gia về Tài chính; mối quan hệ giữa các CSDL chuyên ngành và thành phần thông tin cơ bản của Cơ sở dữ liệu quốc gia về Tài chính; đánh giá sơ bộ tính khả thi, hiệu quả của việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về Tài chính.

Về mô hình xây dựng, Cơ sở dữ liệu quốc gia về Tài chính bao gồm một hệ thống kho dữ liệu tổng hợp tập trung tại Bộ Tài chính và các ngành, lĩnh vực của hệ thống tài chính quốc gia có thể tổ chức các CSDL gốc riêng của ngành, lĩnh vực (CSDL quản lý chuyên ngành).

Theo Quyết định số 2376/QĐ-BTC, Bộ Tài chính tập trung triển khai 13 Dự án thành phần thuộc Đề án “Xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về Tài chính”, gồm CSDL tổng hợp về Tài chính (Cơ sở dữ liệu quốc gia về Tài chính) và các CSDL quản lý chuyên ngành: Thuế; Kho bạc; Hải quan; Chứng khoán; Dự trữ nhà nước; Giá; Bảo hiểm; Nợ công; Tài sản công; Quản lý, giám sát vốn
nhà nước tại doanh nghiệp; Thu, chi ngân sách nhà nước; Danh mục điện tử dùng chung ngành Tài chính. Đến thời điểm hiện tại, các CSDL quản lý
chuyên ngành đều đã được triển khai, trong đó một số CSDL đã hoàn thành như CSDL chuyên ngành quản lý Thuế, CSDL chuyên ngành quản lý Kho bạc, CSDL chuyên ngành quản lý Hải quan, CSDL chuyên ngành quản lý Chứng khoán, CSDL chuyên ngành quản lý thu - chi ngân sách nhà nước; CSDL chuyên ngành quản lý Giá (Dự án CSDLQG về Giá) đã hoàn thành Giai đoạn 1; CSDL chuyên ngành quản lý Dự trữ nhà nước sẽ được trình phương án nâng cấp trong năm 2019; các CSDL còn lại đều đã được phê duyệt chủ trương đầu tư và đang triển khai thực hiện. Riêng CSDL tổng hợp về Tài chính (Cơ sở dữ liệu quốc gia về Tài chính), Bộ Tài chính sẽ tiến hành xây dựng sau khi kiến trúc Cơ sở dữ liệu quốc gia về Tài chính được phê duyệt.

Thực hiện Quyết định số 2376/QĐ-BTC, nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế chính sách để triển khai Đề án “Xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về Tài chính”, Bộ Tài chính đã thành lập và ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án; ban hành Kế hoạch triển khai Đề án tại Quyết định số 1078/QĐ-BTC ngày 09/6/2017 của Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án; hoàn thành xây dựng, ban hành và thực hiện Thông tư quy định về Hệ thống danh mục điện tử dùng chung trong lĩnh vực Tài chính (Thông tư số 18/2017/TT-BTC ngày 28/02/2017); hoàn thành xây dựng, ban hành và thực hiện Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành danh mục CSDL chuyên ngành của Bộ Tài chính (Quyết định số 2575/QĐ-BTC ngày 15/12/2017 ban hành quy định gồm 12 CSDL chuyên ngành).

  1. Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm

Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang xây dựng Đề án Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm. Đề án này đề ra các nhiệm vụ và giải pháp để thực hiện Quyết định số 714/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ bao gồm: đề xuất chi tiết nội dung thuyết minh, mô tả về mục tiêu, quy mô, phạm vi, đối tượng của Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm, định nghĩa và mối quan hệ giữa các thành phần thông tin cơ bản; đề xuất giải pháp để thực hiện xây dựng và ban hành các quy chuẩn kỹ thuật CSDLQG về: Nội dung, cấu trúc và kiểu thông tin của dữ liệu, phương thức truy cập dữ liệu; đề xuất sơ bộ về nội dung và giải pháp, mô hình Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm, mối quan hệ với các CSDLQG khác và một số nhiệm vụ liên quan. Dự kiến Đề án sẽ được Bảo hiểm xã hội Việt Nam triển khai gấp rút trong năm 2019.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đang tiến hành dự thảo, đề xuất Nghị định của Chính phủ quy định Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm để tạo hành lang pháp lý triển khai CSDLQG này. Dự định Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ xin ý kiến các Bộ, ngành và trình Chính phủ ban hành trong năm 2019.

Về việc tạo lập dữ liệu xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm, trong thời gian qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã xây dựng các CSDL nghiệp vụ chuyên ngành làm gốc để hình thành nên Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm như CSDL hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế; CSDL quản lý thu, sổ, thẻ; CSDL quản lý và giải quyết hưởng chế độ chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã thu thập được thông tin cá nhân của 93 triệu người. Tuy nhiên, các dữ liệu này mới đang nằm trong các CSDL chuyên ngành của bảo hiểm xã hội. Trong thời gian tới, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ thực hiện việc chuẩn hóa dữ liệu, tích hợp vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm để bảo đảm Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm sẽ là CSDL lõi, làm cơ sở để đồng bộ giữa các CSDL chuyên ngành về bảo hiểm và tham chiếu đến các CSDLQG khác.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đã phát triển hạ tầng kết nối đồng bộ để sẵn sàng kết nối chia sẻ thông tin, dữ liệu với các CSDL của các Bộ, ngành khác. Dự kiến trong năm 2019, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ triển khai hệ thống kho dữ liệu (Data Warehouse). Hệ thống này sẽ tập trung dữ liệu từ các hệ thống CSDL nghiệp vụ của Bảo hiểm xã hội Việt Nam góp phần tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm.